Sơ lược tiểu sử Nguyễn Đỗ Mục
Nguyễn Đỗ Mục (1882-1951), tự Trọng Hữu, bút hiệu Hì Đình Nguyễn Văn Tôi (khi viết bài cho mục Hài đàm); là nhà văn và là dịch giả Việt Nam. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Thư Trai, Thạch Thất, Sơn Tây (nay là Phúc Thọ, Hà Nội). Cha là Hoàng giáp Nguyễn Đình Dương, từng làm Án sát Hưng Yên, Bố chính Quảng Bình, Biện Lý Bộ Lại.
Nguyễn Đỗ Mục theo đuổi nghiệp bút nghiên, nhưng thi rớt. Năm 1913, ông cộng tác viết bài cho mục Gõ Đầu Trẻ của tờ Đông Dương Tạp Chí.
Sau khi tạp chí đình bản, ông viết cho tờ Trung Bắc tân văn và một số tờ báo khác.
Sau CMT8 đến khi mất, ông làm quan chức nhà nước, công tác ở bộ Quốc Phòng, chuyên phiên dịch các tài liệu quân sự và chính trị.

Sự nghiệp dịch Hán văn
Có lẽ ông là một nhà văn dịch truyện Tàu ra quốc văn nhiều nhất. Ông dịch nhiều đến nỗi khi nghe ai nói đến một quyển tiểu thuyết Tàu dịch ra quốc văn, người ta đã có thể ngờ là do ông dịch. Ông dịch ái tình tiểu thuyết, xã hội tiểu thuyết, giáo dục tiểu thuyết, lịch sử tiểu thuyết, nghĩa hiệp tiểu thuyết cho đến cả kiếm hiệp tiểu thuyết, làm cho người ta có cái cảm tưởng như ông chỉ chuyên chú về lượng, không quan tâm đến phẩm.
Nhưng những truyện dịch của ông phần nhiều đã được người ta rất ham đọc. Hai quyển truyện dịch Song Phượng Kỳ Duyên và Tái sinh duyên của ông đối với người thức giả là những truyện rất thường, nhưng đã có tên tuổi một thời trong đám phụ nữ. Cách đây vài mươi năm, không mấy bạn gái là không thuộc những tên Chiêu Quân và Mạnh Lệ Quân cùng những sắc và tài của hai người thiếu nữ. Người đẹp bị gian thần hãm hại, má phấn mà hơn cả râu mày, đó là những điều mà mọi người Đông phương ta đã nghe quen hàng biết bao thế kỷ. Người đàn bà Việt Nam ta cách đây hơn hai mươi năm chưa bị tư tưởng mới lung lạc thì chỉ có thể cảm động về những điều đó thôi.
Ông lại theo sách Tàu dịch quyển tiểu thuyết Sans famille của Hector Malot ra quốc văn, trước lấy nhan đề Đứa trẻ khốn nạn, đăng trong báo Trung Bắc Tân Văn, sau có ông Đào Hùng nhuận sắc lại, mới lấy nhan đề là Vô gia đình và in thành sách (do Tân Việt Nam thư xã đã xuất bản. Hector Malot là một nhà văn bực trung ở Pháp, nhưng đối với người Việt Nam ta quyển Sans famille cũng được kể là một quyển truyện hay rồi, nên Vô gia đình đã được nhiều cho là thú vị.
Tập Tây Sương Ký
Nhưng trong số các truyện dịch thuật của ông, có tập Tây Sương Ký (Đông Dương tạp chí từ số 28 đến 41) và bộ Đông Chu Liệt Quốc (trước đăng trong ĐDTC sau Tân Việt Nam thư xã xuất bản làm 3 quyển) là đáng lưu tâm hơn cả.
Chỉ tiếc một điều Tây Sương Ký có cái vẻ là một quyển do ông phóng tác hơn là do ông dịch thuật, vì trong vở kịch, ông đã xen nhiều câu tập Kiều vào. Thí dụ, Lại hôn, có đoạn ông dịch thế này:
“Oanh Oanh đang ngồi dưới cưới sổ, soi gương, chải đầu, nghĩ thầm trong bụng rằng:
Khi nên giời cũng chiều người,
Nhớ ai nào biết ai rằng ai nhớ mình!
Cho hay duyên nợ ba sinh,
Gẫm cơ hội ngộ đã đành hôm nay.
Hồng Nương đứng xa trông thấy, nói nhỏ một mình rằng:
Gẫm âu tác hợp cơ giời,
Kể đà thiểu não lòng người bấy nay.
Chẳng duyên chửa dễ vào tay,
Phúc nào đổi được giá này cho ngang!
– Chà tiểu thư hôm nay dậy sớm nhỉ!
Hồng Nương lại gần bên cạnh, nói:
– Cô ra bà lớn đòi, có Trương tiên sinh sang đó”
(Đông Dương tạp chí, số 32 – trang 1685)
Vẫn biết bây giờ khó mà có được nguyên bản Tây Sương Ký, những bộ mộc bản và thạch bản còn lại ngày nay, phần nhiều tam sao thất bản, lắm chỗ sai lầm, nhưng dịch như trên này thật không phải là một cách lưu lại một áng văn cổ của Tàu bằng quốc văn. Riêng những lời phê bình của Thánh Thán là ông dịch tài tình.
Hãy đọc đoạn văn dịch sau này của ông về Phép đọc Tây Sương Ký của ông Thánh Thán (ĐDTC, số 28 – trang 1508)
Từ đây về sau, dẫu bậc tài tử đến đâu, cũng không nên nói quyết rằng: Bản Tây Sương Ký này ta có thể làm ra được.” Giả thử chính người làm ra Tây Sương Ký này mà hãy còn, đem đốt bản Tây Sương Ký này đi, cũng không có thể làm lại được một bản khác. Giả thử chính người làm ra Tây Sương Ký là tay thợ Tạo, lại có phép làm ra được một bản Tây Sương Ký khác, nhưng đã là một bản khác thì văn thể và bút pháp cũng khác cả, bao giờ cũng là một bản khác, không tài nào được như nguyên bản Tây Sương Ký này.
Ta nhiều khi đang ăn cháo, toan làm một bài văn, lỡ bận việc gì, không thể làm được; sau khi ăn cơm, mới đem ra để làm, thì ta vẫn tiếc mãi một bài văn của ta cao hứng trong khi ăn cháo. Thí dụ một người đánh bài, con bài ra hơi sớm một tý hay là chậm một tý, thì hỏng cả ván bài, không có nước gì hay nữa. Thế mà những kẻ ngu dốt, còn cố cưỡng cái lẽ ấy, thì thật là đáng bậc nực cười!”
Cái luận điệu phê bình của Thánh Thán là bao giờ cũng nói đến cùng, mà nói bằng những lời chắc nịch. Những câu văn dịch như trên này thật là dịch sát được cả ý lẫn giọng văn của tác giả.
Trong bài kết luận, khi đã dịch xong bộ Tây Sương Ký, dịch giả có viết mấy lời này: “Tôi lại xin cùng các ông các bà đã đọc Tây Sương Ký này đoán trước một câu rằng: Chẳng bao lâu sẽ có một lần dịch bộ Tây Sương Ký của ông Thánh Thán mà theo được như ý muốn chung của các ông các bà. Mà người lại ấy là ai? Không phải là các ông các bà đã đọc bộ Tây Sương Ký này, thì dễ có khi lại là người bắt đầu dịch bộ Tây Sương Ký này lần thứ nhất đó.”
Tôi rất mong dịch giả sẽ theo lới đã hứa mà dịch lại cho đúng nguyên văn chữ Hán, không nên xem những câu tập Kiều vào. Đã có câu: dịch tức là phản (Traduttore, traditore), nghĩa là ngay khi dịch thuật đúng, thật sát nghĩa, cũng đã không tránh được sự phản cái ý của tác giả, vậy nếu ta lại còn thêm bớt, thay đổi trong khi dịch, có khác nào đi làm trái nghĩa hai lần. Nhất là đối với cổ văn, ta lại càng nên thận trọng lắm, để gìn giữ lấy cái hương thơm truyền lại của thời xưa.
Bài viết được tổng hợp và giới thiệu bởi nhà cung cấp dụng cụ Vệ sinh Bông May. Chúng tôi chuyên cung cấp dụng cụ vệ sinh và chất tẩy rửa giá rẻ cho mọi đối tượng khách hàng.
Các bộ truyện Hán văn khác
Đến bộ Đông Chu Liệt Quốc do ông dịch thì về phần giá trị, không kém bộ Tâm Quốc Chí Diễn Nghĩa của Phan Kế Bính chút nào. Thật là một bộ truyện dịch rất công phu, có thể coi như một bộ cổ điển chứ đầy những tài liệu dồi dào cho những người đọc thơ cổ muốn hiểu điển tích hay viết quốc văn muốn dùng điển tích.
Nguyễn Đỗ Mục còn dịch nhiều bộ tiểu thuyết Tàu nữa mà đăng trong báo chí xuất bản ở Hà Nội, như hiện nay ông dịch bộ Hiệp Nghĩa Anh Hùng đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy. Bộ truyện này tuy cũng làm cho người đọc ham mê, nhưng không còn gây được tiếng vang như hồi ông dịch Song Phụng Kỳ Duyên hay Tái Sinh Duyên. Điều đó do ở phong trào tiểu thuyết Việt Nam đang lan rộng và đang dần dần lấn át phong trào tiểu thuyết Tàu: Người ta đã bắt đầu chuộng những lối văn tả thực và thích tìm trong truyện những thứ của quê hương đất nước, những thứ gần gụi với mình. Những riêng cái việc ngày nay người ta còn ham đọc những truyện Tàu do Nguyễn Đỗ Mục dịch cũng đủ chứng rằng văn dịch của ông cám dỗ người ta biết chừng nào.
Về bản Chinh Phụ Ngâm
Ông còn biên tập một quyển sách có giá trị, nhan đề là Chinh Phụ Ngâm Khúc dẫn giải (Tân Dân – Hà Nội xuất bản lần thứ nhất 1929.) Quyển này ông dẫn giải thật là tường tận. Chỉ tiếc một điều là bản nôm ông trích ở đâu, ông không nói rõ, vì theo phép khảo cổ, thì mình tìm ở chỗ nào, phải nói rõ chỗ ấy ra cho người đọc biết đường để so sánh, để luận định.
Trong bài tựa, ông viết: “Khúc Chinh Phụ Ngâm này nguyên văn bằng chữ nho của Đặng Trần Côn tiên sinh soạn, mà bà Nguyễn Thị Điểm nước ta diễn ra quốc văn.” Rồi một đoạn dưới, ông lại viết: “…Bà, người huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương biệt hiệu là Hồng Hà, em gái tiến sĩ Nguyễn Trác Luận, ở vào đầu thế kỷ thứ XVIII, về đời vua Duy Phương và vua Thuần Tôn nhà Lê.”
Ông chép như vậy là lầm. Bà Thị Điểm, vốn họ Đoàn, hiệu là Hồng Hà nữ sử, người làng Hiếu Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh), sau làm vợ hai ông Nguyễn Kiều, nên mới đổi làm họ Nguyễn. Bà là em ông giám sinh Đoàn Luân, đời Lê, chứ không là em Nguyễn Trác Luân, đời Lê, chứ không phải là em Nguyễn Trác Luân. Về mấy điều này, Sở Cuồng có nói rõ trong Nữ Lưu Văn Học Sử (trang 6 – Đông Tây, Hà Nội) và Nguyễn Quang Oánh cũng có nói rõ trong quyển Ngâm Khúc (trang 45 – Vĩnh Hưng Long, Hà Nội).
Về Chinh phụ ngâm từ xưa đến nay, nhiều người chỉ biết có tác giả là Đặng Trần Côn, và dịch giả là Nguyễn Thị Điểm, không mấy người biết rằng bài ngâm khúc tuyệt diệu này có nhiều tay danh nho dịch ra quốc âm, mà trong số này, Phan Huy Ích là người có tiếng hơn cả.
Không có những cái thuyết Chinh Phụ Ngâm do nhiều người dịch, còn cái thuyết Chinh Phụ Ngâm chỉ do một mình Phan Huy Ích dịch nữa. Đó là cái thuyết của Đông Châu trong Nam Phong Tạp Chí (số 106 – Juin 1926). Đông Châu cho là Chinh Phụ Ngâm đã do Phan Huy Ích diễn ra quốc âm, chứ không phải do Nguyễn Thị Điểm, mà nhà bỉnh bút của tạp chí Nam Phong sở dĩ dám quả quyết như thế là vì ông đã nhận được bức thư của người con cháu họ Phan nói rằng: “Cứ tra trong Phan gia tộc phả cùng lời các phụ lão trong họ Phan truyền lại thì bài Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn là của ông Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục làm ra, mà cụ Phan Huy Ích dịch văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ vừa nôm; mà khi cụ dịch xong bài Chinh Phụ Ngâm, cụ có làm bài thơ ngẫu thuật bằng chữ nho rằng:
Nhân Mục tiên sinh Chinh Phụ Ngâm
Cao tình dật diệu bá từ lâm
Cận lai khoái trá tương truyền tụng,
Đa hưu thôi sao vi diễn âm
Vận luật hạt cùng văn mạch túy,
Thiên chương tu hướng nhạc thanh tầm
Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc,
Tự tín suy minh tác gia tâm.
Đông Châu có nói thêm rằng: “Bài thơ trên này hiện còn chép trong bộ Dụ Am ngâm lục, đại ý nói rằng: ông Đặng Trần Côn người Nhân Mục làm ra bài Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Hán, từ điệu cao kỳ đã truyền bá ở chốn từ lâm, ai cũng truyền tụng lấy làm khoái trá lắm, đã có người thôi sao diễn ra ca nôm, nhưng theo về âm luật thì dịch sao cho được hết cái tinh túy trong mạch văn, vậy phải theo thiên chương và hiệp với âm nhạc mà diễn ra mới được. Nay nhân buổi nhàn, đã dịch thành khúc mới, chắc tin rằng suy minh được bụng của tác giả. Xem như bài thơ trên đó truyền lại, đủ chứng rằng Chinh Phụ Ngâm khúc bấy lâu nay ta vẫn truyền là bà Thị Điểm diễn nôm, dễ thường không phải, mà chính là cụ Phan Huy Ích diễn ra đó chăng.”
Theo lời nhiều nhà nho học thì có hai bản xuất sắc hơn cả là bản dịch của Phan Huy Ích và bản dịch của Nguyễn Thị Điểm, mà bản dịch của nhà nữ thi sĩ được truyền tụng nhiều hơn. Tuy vậy, đó cũng chỉ có thể coi là một giả thuyết, vì hiện nay không thể căn cứ vào đâu mà quyết đoán được.
Như vậy, bản dịch trong Chinh Phụ Ngâm Khúc dẫn giải của Nguyễn Đỗ Mục là bản dịch của Phan tiên sinh hay của Hồng Hà nữ sĩ?
Đọc thêm: giới thiệu dịch giả Trương Vĩnh Ký
Lúc này là lúc chúng ta cần phải đính chính những điều sai lầm và thi văn cổ, vì vài ba mươi năm nữa, công việc này sẽ rất khó khăn; cho nên mỗi khi trích lục một bài văn hay một bài thơ cổ, biên giả cần phải nói rõ cho người đọc biết những thi văn rút ở sách nào.
Về Chinh Phụ Ngâm, gần đây, những quyển do mấy hàng sách nhỏ xuất bản không kể, hiện có ba bản quốc văn đáng lưu tâm hơn cả là: bản Chinh Phụ Ngâm trong Ngâm Khúc của Nguyễn Quang Oánh, bản Chinh Phụ Ngâm trong Nữ Lưu Văn Học Sử của Sở Cuồng và tập Chinh Phụ Ngâm Khúc dẫn giải của Nguyễn Đỗ Mục. Điều tôi nhận thấy là trong ba bản này, mỗi bản đều có những câu khác hẳn nhau. Như vậy là vì có nhiều bản dịch như người ta nói, hay vì sự tam sao thất bản mà chỉ có một bản dịch? Đối với các vấn đề rất quan hệ ấy, tự xưa đến nay, các nhà biên tập rất cẩu thả, thường gặp câu văn dịch nào sát nghĩa câu chữ Hán, liền tự ý sửa chữa, làm cho, dù có hay hơn, cũng không còn phải là bản dịch của tiền nhân.
Bản trong Ngâm Khúc của Nguyễn Quang Oánh, có những câu như sau này:
Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa,
Ngâm Khúc, trang 98
Cỏ xanh thơm dạ nhớ chẳng khuây.
Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,
Bước đi một bước, lại vin áo chàng.
Bản trong Nữ Lưu Văn Học Sử của Sở Cuồng, những câu ấy lại chép như sau này:
Nước có chảy mà phiền chẳng tả,
N.L.v.h.S – trang 9
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây
Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,
Bước đi một bước phút dây lại dừng
Rồi bản của Nguyễn Đỗ Mục lại chép như sau này:
Nước có chảy mà phiền khôn rửa
Cỏ có thơm mà nhớ khó quên
Nhủ rồi tay lại trao liền,
Bước đi một bước lại vin áo chàng.
Có bốn câu thơ mà mỗi bản chép một khác, mà về cả ba bản không nói cho biết trích ở những sách nôm nào.
Nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn, bốn câu ấy như sau này:
Thanh thanh lưu thủy, bất tẩy thiếp tâm sầu;
Thanh thanh phương thảo, bất vong thiếp tâm ưu
Ngữ phục ngữ hề chấp quân thủ
Bộ nhất bộ hề phan quân nhu.
Nguyễn Đỗ Mục dịch nghĩa là: “trong leo lẻo giòng nước chảy, không rửa được cái sầu trong lòng thiếp; xanh xanh đám cỏ thơm, không quên được sự lo trong lòng thiếp. Nói rồi lại nói, mà cầm tay chàng; bước đi một bước lại vin áo chàng.” (Chinh Phụ Ngâm Khúc Diễn Giải – trang 13). Nếu nghĩa đen như thế, thì về mấy câu thơ trên này, bản dịch do Nguyễn Quang Oánh biên tập đúng hơn cả. Bản dịch trong tập của Nguyễn Đỗ Mục câu hai bỏ mất nghĩa hai chữ thanh thanh. Còn mấy chữ mà nhớ khó quên lại hơi quê; câu ba cũng không đúng nghĩa; mấy chữ trao liền mạnh quá.
Như thế mới chỉ là có thể nói về sự đúng hay không đúng nghĩa. Còn về dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm do Nguyễn Đỗ Mục sao lục là ai, người ta vẫn không thể biết được. Về văn cổ khi đã không tìm ra nguyên bản, công việc khảo cứu rất khó, nhất là thời nào cũng có những bọn con buôn làm giả sách cổ. Người ta đã thấy ở Hà Nội những anh hàng sách quẩy bồ, chào mời người mua cho họ những sách mà họ kể vanh vách là họ đã mua được ở những đâu. Bởi thế, những thứ sách nôm của mấy anh gánh bồ, nhiều người cũng có thể làm là sách cổ.
Quyển Chinh Phụ Ngâm do Nguyễn Đỗ Mục biên tập tuy vậy cũng vẫn có giá trị ở những chỗ biên giả dẫn giải và chú thích. Nhiều đoạn chú thích thật là công phu, phi một người Hán học chắc chắn, thì không giảng giải tinh tế như thế được.
Kết
Nguyễn Đỗ Mục còn dịch mấy quyển chữ Hán nữa ra quốc văn, là Khổng Tử Gia Ngữ, tức là lời đức Khổng Tử về các tục lệ, như quan, hôn, tang tế: Không Tử Tập Ngữ, trong chép những danh ngôn của Khổng Tử (bộ sách này do Tiết Cứ đời Tống soạn; sau đến đời Thanh lại có Tôn Tinh Diễn soạn một bộ sách như thế; như vậy, không rõ Nguyễn Đỗ Mục đã dịch ở bộ nào ra, vì hiện nay bản dịch của ông không còn); Bách Tử Kim Đan, trong trích dịch những áng văn hay của các văn gia Tàu. Cả ba tập văn dịch này, Nguyễn Đỗ Mục đều đăng trong Trung Bắc Tân Văn cách đây trên 10 năm.
Riêng bộ truyện dịch Đông Chu Liệt Quốc và tập Chinh Phụ Ngâm Khúc Diễn Giải cũng đủ làm cho người ta thấy Nguyễn Đỗ Mục là người rất có công trong việc biên khảo và dịch thuật quốc văn còn non nớt. Người đặc Tây học nếu đã đọc bản dịch Đông Châu Liệt Quốc của ông rồ cũng có thể hiểu được nhiều điển tích trong các truyện bằng văn vần của ta, như Kiều, Hoa Tiên, Cung Oán, Chinh Phụ, và nếu họ đọc kỹ những lời diễn giải của ông trong Chinh Phụ Ngâm Khúc Dẫn Giải, họ sẽ thấy bản dịch nôm của người xưa thật là tài tình, có phần hay hơn cả nguyên văn chữ Hán.