PHAN KHOANG
Đặt vấn đề
Bất cứ ở nước nào, xã thôn là nền móng của quốc gia. Làng có yên, nước mới trị, còn sự tổ chức ở đơn vị cơ bản này đã không thích đáng thì xã hội lộn xộn từ chỗ gốc rễ, guồng máy cai trị chung không thể điều hành đều đặn để đem lại sự bình ổn cần thiết cho sự phát triển quốc gia.
Vậy quản trị xã thôn là một vấn đề quan trọng thế mà từ trước đến nay, trừ hạng người hữu trách, chúng ta ít ai lưu tâm đến. Đó là một sự lãng quên, hoặc một sự ngộ nhận đáng trách. Hiện nay trong công cuộc cải tạo, kiến thiết lại quốc gia, thiết tưởng vấn đề quản trị xã thôn là một trong những vấn đề căn bản cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cơ cấu quốc gia của ta xưa kia có một đặc điểm là gồm hai bậc ; làng và nước, tuy làng ở trong phạm vi của nước, nhưng nước không được xâm phạm đến quyền hạn của làng. Làng có tư cách “pháp nhân”, và do dân làng quản trị, chính quyền không can dự đến. Vậy con người có hai trường sở để hoạt động : làng và nước, người có tài năng, có sáng kiến nếu không đem mà dùng được ở quốc gia thì đem dùng ở làng, để kiến thiết, để mở mang, để làm cho làng thịnh vượng.
Với chế độ xã thôn tự trị, dân chúng đều được trực tiếp tham dự công việc của làng, tự mình sắp đặt, trị lý, nên gây cho người dân cái tinh thần tự trí, tinh thần trách nhiệm.
Về phương diện chính trị, người ta nhận thấy ở đây một sự dung hòa khéo léo giữa chính sách trung ương tập quyền và địa phương phân quyền. Phải có một chính phủ trung ương mạnh mẽ để giữ vững nền thống nhất lãnh thổ, nên chính sách tập quyền là cần thiết. Nhưng nếu tập quyền thái quá thì khắc nghiệt và có thể sinh ra nhiều tai hại, vì vậy tổ tiên ta đã dùng sự phân quyền, nhưng chỉ phân quyền ở cấp xã mà thôi, còn từ Huyện, Phủ (quận) trở lên thì triệt để trực thuộc chính quyền trung ương. Như vậy, chính sách trung ương tập quyền và địa phương phân quyền hợp tác chặt chẽ, không một bên nào được hà lạm, thái quá, để giữ sự quân bình cho quốc gia, sự quân bình ấy biểu hiện ở khắp các ngành sanh hoạt của dân tộc. “Phép vua thua lệ làng”, pháp luật của triều đình và tục lệ của nhân dân phải cùng được tịnh trọng thì lý xứng hợp, tình thỏa thuê, công tư trọn vẹn. Đó phải chăng là triết lý thực hiện lẽ quân bình, cái mạch sống của dân tộc Việt nam trải qua mấy chục thế kỷ nay. Chế độ khôn ngoan ấy đã gây được nhiều ảnh hưởng tốt, đồng thời, vì không biết cải cách, canh tân theo thời gian, nó cũng đã làm phát sinh nhiều tệ hại, nhiều tập quán hủ lậu làm cản trở phần nào sự tiến bộ của nhân dân. Nhưng những biến cố sau I945 đã khiến nhiều phong tục đồi bại ấy bị bài trừ tận gốc rễ. Trong công cuộc kiến thiết lại xã thôn của Chính phủ Cộng hòa từ mươi năm lại đây, vì nước nhà đương ở trong tình trạng chiến tranh, nên cũng chỉ nhắm đến hiệu lực giai đoạn mà thôi. Mai đây hòa bình trở lại, khi kiến thiết lại một cách vĩnh viễn ắt một vấn đề sẽ được đặt ra ; có nên giữ lại tinh thần và chế độ xã thôn tự trị, nghĩa là địa phương phân quyền ở cấp xã như xưa không, hay là tập trung triệt để vào chính quyền trung ương ? Nếu để cho xã thôn tự trị, thì phải tổ chức thế nào ?
Để giúp phần nào những vị muốn tìm câu trả lời, chúng tôi xin trình bày nguyên đầu và lược sử của chế độ xã thôn, chế độ xã thôn tự trị, những đặc tính và những ưu điểm, khuyết điểm nhận thấy ở nó qua kinh nghiệm của thời gian để quí vị tiện bề nghiên cứu.
Sự thành lập “xã” – sự quản trị “xã” qua các triều lý, trần và lê sơ
Ở Việt nam, đơn vị hành chánh Xã (làng) ra đời từ bao giờ ?
Trong ba thời kỳ Bắc thuộc dài hơn 1000 năm, chúng ta không biết rõ khu vực hành chánh thấp nhất gọi là gì. Có lẽ cũng theo chế độ nhà Hán truyền sang, rồi thay đổi ít nhiều mà thôi. Đời Hán, ở Tàu, trong dân gian, 10 nhà gọi là lý, 10 lý gọi là đình, 10 đình gọi là hương, không thấy có danh từ “Xã”. Vả lại, các nhà ấy thường là người trong một “họ” (tộc), dính dáng nhau vì huyết thống, chứ không phải như ở Việt nam, dân trong một xã “làng” là người dưng kết đoàn với nhau vì sống chung trên một khu đất mà thôi.
Sử chép rằng dưới thời đô hộ của nhà Đường, nhân bên Tàu có loạn, uy quyền không ra đến ngoài, ở nước ta dân chúng cử Khúc thừa Dụ lên làm Tiết độ sứ (906), nhà Đường suy yếu, không thể ngăn cấm được, cũng phải thuận y. Khúc thừa Dụ làm Tiết độ sứ được một năm thì mất (907), con là Khúc Hạo lên thay chức cha, lập ra Lộ, Phủ, Huyện, Châu, Xã, đặt quan lại, sửa sang việc thuế má. Vậy “xã”, đơn vị hành chính cơ bản, ra đời từ lúc ấy.
Qua đời Ngô thu hồi độc lập, rồi đến đời Đinh, Tiền Lê, tài liệu không cho chúng ta biết cách phân chia khu vực hành chính thế nào, nhưng chúng ta có thể đoán rằng ấy là những triều đại ngắn ngủi, lại phải bận về việc đánh dẹp, nên ắt cũng giữ sự sắp đặt hành chính địa phương của Khúc Hạo, chứ không thay đổi.
Nhà Đinh đặt thập đạt quân ; Nhà Tiền Lê chia 10 đạo làm lộ, phủ, châu.
Đến đời Lý, nền độc lập đã vững chãi, an ninh, trật tự đã phục hồi, nhà nước mới lo sắp đặt lại việc hành chính. Đời vua Lý Thái tổ ; Thuận Thiên năm 1 (1010) chia 10 đạo làm 24 lộ, còn Hoan châu, Ái châu là đất biên viễn nên đặt làm trại. Không thấy nói khu vực hành chính thấp nhất gọi là gì ; có lẽ cũng là Xã như cũ. Đời vua Lý Thái tông, năm thứ 3 (1041), lại đặt ra Giáp. Mọi tập hợp gồm I5 người dân gọi là Giáp, trong ấy lựa một người cầm đầu gọi là Quản Giáp chịu trách nhiệm về việc hành chính và thuế má trong Giáp mình. Quản Giáp không phải là công chức đại diện của chính quyền mà là một tư nhân chọn trong dân chúng của Giáp. Có lẽ dưới triều Lý, tiểu tổ hành chính vẫn là Xã như trước, nhưng vì để nhẹ việc thu thuế và kiểm soát nhân dân, Thái tông chia nó ra làm nhiều Giáp, nhưng vẫn thống thuộc Xã.
Đời Trần, sự phân chia khu vực hành chính của triều trước được sửa đổi hoàn toàn ; nước chia làm 11 Lộ, Lộ chia làm nhiều Phủ hoặc Châu chia ra làm Xã. Lộ do chức An phủ sứ cai trị, Phủ có tri phủ, Châu có thông phán cầm đầu. Xã có Xã quan gọi là Xã chính, Xã giám cầm đầu, và thường hai xã hoặc ba, bốn xã hợp lại làm một, viên Đại Tư xã hoặc Tiểu Tư xã cai trị. Đại Tư xã phải là quan ngũ phẩm trở lên, còn Tiểu tư xã là quan lục phẩm trở xuống. Vậy xã chính, Xã giám, Đại Tư xã, Tiểu Tư xã đều là công chức, do Triều đình bổ nhiệm.
Sự tổ chức ấy áp dụng cho đến đời vua Thuận tông vị vua cuối cùng triều Trần. Bấy giờ Hồ quí Ly mưu toan việc soán đoạt cải tổ việc cai trị, đặt lại quan chức để tiện bổ nhiệm những người tay chân, vây cánh của mình. Năm thứ 10 đời vua Thuận tông (I398) nước chia ra làm Trấn và Lộ ; Trấn, Lộ chia ra làm Phủ, Phủ chia ra làm Châu, Châu chia ra làm Huyện. Ở dưới huyện, các tập hợp hai ba bốn làng cùng các chức Đại, Tiểu Tư xã đều bãi bỏ. Chức Xã chính, Xã giám không bỏ, vậy là tiểu tổ xã vẫn còn. Xã chính, Xã giám vẫn là chức quan thay mặt chính quyền, còn Quản giáp là người tư nhân trong giáp lựa chọn ra.
Nhà Minh dẹp nhà Hồ, đặt nền Đô hộ thì sửa đổi hoàn toàn nền hành chính. Nước chia làm 17 Phủ và 5 Châu ; Phủ, Châu chia ra làm Lý (tức làng), mỗi lý có II giáp, mỗi giáp 10 hộ (nhà), nơi phủ lỵ chia ra từng Phường. Vùng ngoại ô của phủ lỵ gọi là Tương. Lý có Lý trưởng, Giáp có Giáp thủ cầm đầu đều do nhà cầm quyền lựa người trong lý, trong giáp bổ nhiệm.
Cuộc đô hộ của nhà Minh chấm dứt, vua Lê Thái tổ lên ngôi rồi bãi bỏ hết các chế độ nhà Minh mà sắp đặt lại nền hành chính ; nước chia làm 5 Đạo, mỗi đạo có quan Hành khiển cai trị. Đạo chia ra làm Phủ, Lộ, Trấn, Châu và Xã. Đạo, ngoài quan Hành khiển còn có chức Chính Tuyên phủ sứ, Phó Tuyên phủ sứ. Phủ thì đặt Tri phủ, Lộ thì đặt An phủ sứ, Trấn thì đặt Trấn phủ sứ, Châu thì đặt Phòng ngự sứ, Huyện thì Chuyển vận sứ và Tuần sát sứ, Xã thì đặt Xã quan. Vậy tiểu tổ hành chính vẫn là Xã. Xã chia làm 3 hạng, Xã có 100 người trở lên gọi là đại Xã thì đặt 3 xã quan, có 50 người trở lên gọi là trung xã, đặt 2 xã quan ; có 10 người trở lên gọi là tiểu xã, đặt 1 xã quan.
Đời vua Lê thánh Tông, nền hành chính lại hoàn toàn thay đổi. Ban đầu, vua chia nước làm 11 Đạo Thừa tuyên, mỗi Đạo có Đô ti coi việc binh, do Chánh Đô tổng binh, Phó Đô tổng binh cầm đầu ; Thừa ti coi việc hành chính, có Chính Thừa chính sứ và Phó Thừa chính sứ cầm đầu ; Hiến ti coi việc Hình, có Hiến sát cầm đầu. Sau, lấy đất Quảng nam của Chiêm thành, chia nước làm I3 Xứ, mỗi Xứ chia làm nhiều Phủ, Phủ chia làm nhiều Huyện, Châu ; Huyện chia làm nhiều Xã, Xã gồm nhiều Thôn (xóm). Nơi phủ lỵ chia ra Phường ngoại ô phủ lỵ gọi là Hương ; còn Châu là đất đai của dân thiểu số thì chia ra làm Trang, Sách, Động, Nguyên, Trưởng.
Xã thôn tự trị
Lược sử chế độ xã thôn tự trị từ Lê Thánh tông trở về sau
Đời vua Lê thánh tông, năm thứ bảy (I467). Ban hành một cuộc cải cách quan trọng trong chế độ xã thôn : chức xã quan bãi bỏ, và đặt chức Xã trưởng để thay thế. Số Xã trưởng nhiều ít tùy theo làng lớn, nhỏ ; làng có hơn 500 hộ (nhà) thì có 5 Xã trưởng, làng có hơn 200 hộ thì có 4 Xã trưởng, làng có hơn 100 hộ thì có 2 Xã trưởng. Trái với chức Xã quan do Chính quyền bổ nhiệm, chức Xã trưởng do dân chúng trong Xã lựa chọn bầu lên. – Việc lựa chọn Xã trưởng được nhà vua xuống Dụ đặt điều lệ : Những người bà con, thông gia không được cùng làm Xã trưởng trong một Xã ; nên chọn những người có ít nhiều học thức, như Sinh đồ, Giám sinh, Lại (người đã giúp việc quan ở các nha môn) v.v… cựu binh sĩ cũng được chọn làm Xã trưởng, nhưng phải có ít nhiều học thức đủ làm việc ; những người quá 30 tuổi, tính hạnh tốt, con nhà danh giá cũng có thể được chọn làm Xã trưởng ; quan chức vì bất cẩn, để dân chọn người vô lại làm Xã trưởng thì bị gián, nếu ấy là vì hối lộ, hoặc vị tình thì bị phạt nặng hơn nữa.
Sách Hồng đức thiện chính thư có chép : “Các làng bàu Xã trưởng, phải kén chọn cho được người, theo lệ thì có Xã chính, Xã sử và Xã tư mỗi người giữ một việc ; bàu ai phải là người có tuổi tác, đức hạnh, không được bàu người xằng bậy, mượn việc công làm việc tư, kết hợp bè đảng, làm tổn thương phong hóa…”. Như vậy thì chức Xã trưởng gồm đến ba người là Xã chính, Xã sử, Xã tư, cũng như đời Trần. Xã quan có hai người là Xã chính, Xã giám, và tuy để dân chúng lựa chọn Xã trưởng, nhưng quan địa phương phải để ý đừng để hạng người xằng bậy dùng bè đảng, dùng tư tình để được lựa chọn.
Dầu sao, việc dân chúng lựa bàu Xã trưởng mở đầu một giai đoạn mới mẻ trong việc quản trị xã thôn. Chế độ xã thôn tư trị bắt đầu từ đó, gây ra một đặc điểm trong sự sinh hoạt của người Việt nam ở trong làng mạc và cho nền hành chính của nước nhà.
Chế độ nói trên áp dụng cho đến cuối nhà Lê và trong 65 năm trị vì của nhà Mạc, vì bận đánh dẹp nên có lẽ cũng không có gì thay đổi.
Sau khi dứt nhà Mạc, phục hưng nhà Lê, chúa Trịnh vẫn giữ sự phân chia khu vực hành chính cũ. Còn chức Xã trưởng, thì lựa chọn cách thế nào ?
Lịch triều Hiến chương chép : “…Sau thời trung hưng khoảng năm Vĩnh thọ (Lê Thần tông) có lệnh bảo các Châu, Huyện chọn hạng người nho sinh, sinh đồ đặt làm chức Xã trưởng, Xã sử, Xã tư để trông nom việc làng, khám xét, kiện tụng… Đến năm Cảnh trị (Lê Huyền tông) lại sai chọn con em nhà tử tế đặt làm Xã trưởng, để dạy dổ nhân dân, ba năm một lần xét cộng việc làm, nếu tốt thì được thăng làm quan chức ở huyện… Từ năm Long đức (Lê Thần tông), Vĩnh hựu (Lê Ý tông, 1735 1739) trở về sau, việc đặt Xã trưởng để mặc dân các Xã…”. Xem đó thì đời Lê trung hưng, có lẽ là vì tình hình các làng mạc chưa ổn định, nên phải sai quan địa phương chọn người địa phương mà đặt làm Xã trưởng. Dầu vậy, Xã trưởng vẫn là người dân trong xã, chứ không phải là một chức quan do triều đình bổ đến. Đến đời Vĩnh hựu trở về sau thì Xã trưởng mới trở lại do dân bàu cử.
Ở Nam hà, ban đầu các chúa Nguyễn cũng theo như cách tổ chức ở Bắc hà, nhưng sau khi chúa Nguyễn phúc Nguyên chống đánh với chúa Trịnh thì mọi việc chính trị đều sắp đặt lại như một nước độc lập. Đến chúa Nguyễn phúc Khoát (Võ vương) thu được toàn bộ đất đai Gia Định rồi (1744) thì chia Nam hà làm 11 Dinh, Dinh chia ra Phủ, Phủ chia ra Huyện, Huyện chia ra Xã. Dinh có chức Trấn thủ cai trị, chức Cai bạ coi việc tài chính, chức Ký lục giữ việc hình án. Phủ thì đặt Tri phủ, Huyện có Tri huyện. Không biết cách lựa chọn Xã trưởng thế nào, nhưng chắc cũng không khác gì cách áp dụng ở Bắc từ thời Lê trung hưng, nghĩa là do quan địa phương chọn người trong hạt cử lên, hoặc do dân bàu, chứ không phải Xã quan.
Đời Tây sơn, Dinh đổi tên gọi là Trấn, Trấn chia ra Huyện, tiểu tổ hành chính vẫn là Xã. Giữa Huyện và Xã, có đặt thêm một khu vực gọi là Tổng, gồm nhiều Xã, do chức Tổng trưởng cầm đầu, làm liên lạc giữa chính quyền các Xã trưởng.
Vua Gia long lên ngôi rồi chia nước làm 23 Trấn và 4 Dinh. Từ Thanh hóa ngoại (Ninh bình) trở ra gọi là Bắc thành, chia làm II Trấn, từ Bình thuận trở vào gọi là Gia định thành, chia làm 5 Trấn khoảng giữa, tức là đất Trung Việt ngày nay, từ Thanh hóa vào đến Bình thuận, chia làm 6 Trấn và 4 Dinh. Bốn Dinh thuộc đất Kinh kỳ là Quảng đức (tức tỉnh Thừa thiên bây giờ), Quảng trị, Quảng bình, Quảng nam, còn 6 khu vực kia gọi là Trấn, ở các Trấn thì đặt chức Trấn thủ ; các Dinh có chức Lưu thủ coi việc cai trị, chức Cai bạ, chức Ký lục phụ tá. Ở Bắc thành, Gia định thành, mỗi nơi có đặt chức Tổng trấn thay mặt nhà vua trong nom các Trấn. Trấn và Dinh chia ra Phủ, Phủ chia ra Huyện, Châu ; Huyện, Châu chia ra Xã Chức. Xã trưởng làng lớn có Phó Xã trưởng phụ giúp. Xã trưởng và Phó Xã trưởng đều do dân trong Xã lựa chọn bàu lên. Bên cạnh, còn có chức Hương trưởng coi việc hành chính và kiểm soát lại mọi việc trong xã, Hương mục coi về của cải của xã, đường sá, cầu cống trong xã, và Trùm trưởng coi việc tuần phòng.
Vua Minh mạng thi hành chính sách trung ương tập quyền, bỏ hai chức Tổng trấn ở Bắc thành và Gia định thành, đổi tên Trấn là Tỉnh. Tỉnh lớn có chức Tổng đốc, Tỉnh nhỏ có chức Tuần vũ cai trị, bên cạnh có chức Bố chính coi việc hộ, và Án sát coi việc hình. Nhưng ở các Xã, vẫn để nguyên cách dân lựa chọn Xã trưởng như cũ, chỉ đổi tên Xã trưởng là Lý trưởng mà thôi. Khu vực Tổng được đặt lại.
Các danh mục này được giữ mãi về sau, cho đến thời Pháp thuộc, rồi các Hương chức phụ tá Lý trưởng được đặt thêm với tên gọi và nhiệm vụ mới để ứng phó với nhiệm vụ mới.
Xem trên, ta thấy rằng trong các khu vực hành chính đặt ra từ trước, Xã là đơn vị vẫn tồn tại mãi, trải qua các sự thay đổi về hành chính của các triều đại.
Tính cách tự trị của Xã : Cơ quan thừa hành và Hội Đồng Xã
Từ khi chức Xã trưởng do dân bàu cử, chứ không phải do chính quyền bổ nhiệm nữa, Xã có tính cách tự trị và sự tự trị ấy lần lần rộng rãi.
Sách sử không cho chúng ta biết Xã được có pháp nhân tư cách từ triều đại nào, cũng như bên cạnh Xã trưởng và Hương chức là cơ quan thừa hành, Hội đồng Xã (Hội đồng Hào mục) ra đời từ lúc nào.
Hội đồng Hào mục mới là cơ quan điều khiển việc làng, định đoạt mọi việc về tài sản, chi thu, quân cấp công điền, tế tự, tuần phòng… nghĩa là những việc riêng của làng, không dính dáng gì đến chính quyền, còn Xã trưởng, hương chức thì chỉ là hạng chức việc đứng trung gian giữa chính quyền và xã dân, thi hành mệnh lệnh của chính quyền, thu thuế đốc sưu, và thi hành các quyết nghị của Hội đồng Hào mục mà thôi. Cũng chắc rằng ban đầu, các người già cả, các quan lại về hưu, các người khoa giáp, trí thức, cựu Xã trưởng, cựu Hương chức v.v… nghĩa là hạng người đàn anh, hiểu biết hơn ở trong làng, tự nhiên thấy có bổn phận chăm sóc việc chung của địa phương mình, rồi lần lần họ tổ chức thành Hội đồng, ai có đủ tư cách nào đó thì có quyền sung vào để định đoạt các việc hưng lợi trừ hại cho làng mình. Còn thành phần, ngôi thứ trong Hội đồng, cũng tùy tục lệ mỗi làng ấn định, thường người phẩm hàm cao hơn cả, nếu không có phẩm hàm thì người cựu Tổng, Lý, Hương chức tuổi tác hơn cả, chủ tọa Hội đồng gọi là Tiên chỉ, người phẩm hàm hoặc tuổi tác kế đó giữ ngôi Thứ chỉ để thay thế Tiên chỉ khi ông này vắng mặt. Về sau, nhân dân đông thêm, việc xã thôn càng phức tạp, thường xẩy ra sự tranh giành, mới có minh văn của chính phủ ấn định. Vậy thì Hội đồng không nhất định gồm bao nhiêu người, ai có đủ tư cách ấn định thì được sung vào, chính quyền không có quyền gì đến vấn đề ấy. Và trái với Xã trưởng và Hương chức phục dịch trong một kỳ hạn 3 hoặc 5 năm (sau đó, muốn làm việc nữa phải được bàu cử), lại các viên chức trong Hội đồng Hào mục tham dự Hội đồng vĩnh viễn. Tất cả nhân viên Hội đồng Hào mục và Xã trưởng, Hương chức đều làm việc không lương.
Chức Xã trưởng được dân bàu từ đời Lê Thánh tông, nhưng có lẽ Xã đã có vô hình nhân cách và ít nhiều quyền tự trị trước đó nữa. Có lẽ từ khi Xã ra đời (đời Khúc Hạo) nhân dân trong khu vực ấy, vì là bà con, là lân cận, sống chung trên một mảnh đất, coi nhau như thuộc một đoàn thể, phải chung nhau sắp đặt mọi việc liên quan đến đoàn thể như việc canh phòng, việc tương tư tương trợ v.v… nên đã có khuynh hướng tự trị. Rồi chính quyền thấy rằng khuynh hướng ấy tiện lợi cho cuộc an ninh chung chứ không hại gì, nên để nó phát triển và mặc nhiên cho nó có tư cách pháp nhân. Đến đời Quang thuận, nhà vua thấy rằng Xã đủ tư cách để tự trị, nên cho phép dân các xã tự lựa chọn người ra làm Xã trưởng. Với điều kiện này, Xã mới có tính cách tự trị đầy đủ.
Xã có thổ vũ riêng, và dẫu trong ấy có phần đất chưa trưng khẩn, cũng vẫn lo bảo tồn lấy để dân làng có chỗ khuếch trương về sau.
Xã có tài sản riêng, gồm Động sản và bất động sản, có quyền bán, cầm nó, và mua tậu động sản và bất động sản khác.
Xã có tư pháp riêng. Những sự tranh giành, xung đột giữa nhân dân trong làng cũng như những vụ vi phạm hương ước đều được ban Lý, Hương thỏa xử, trừng trị, những trường hợp quan trọng phải trình lên Hội đồng Hào mục. Ở đây, trong sự xử đoán, ngoài lý, người ta còn kể đến tình, đến luân lý, đạo đức, đến thuần phong, mỹ tục, và những kẻ tương tranh, dầu hơn hay thua kiện đều nhận được những bài học có ích cho mình. Kẻ thua kiện, kẻ phạm lỗi chỉ bị phạt một món tiền vạ, hoặc một mâm trầu rượu để xin lỗi, hoặc một tờ xin hưu nại, nhưng sự trừng phạt thực hành trước sự tai nghe mắt thấy của bà con, của láng diềng, nên khiến họ đau khổ hơn là lao tù của nhà nước nữa.
Xã có tục lệ riêng về sự bảo vệ sơn lâm, ao hồ, ruộng nương, mùa màng, và về các lễ hôn nhân, ma chay, tế tự, sự tương tư tương trợ khi tai họa xảy đến cho một hay nhiều dân làng.
Xã có thờ phụng riêng, thờ Phúc thần và những nhân vật đã có công đức với xã mình.
Xã có một đội tuần đinh riêng để giữ gìn an ninh, phòng ngữ trộm cướp cho dân làng. Sự tuần phòng được tổ chức nghiêm nhặt ; sự điều khiển và thù lao các tuần đinh cùng sự đóng góp sương túc của các điền chủ, nghiệp chủ cũng mỗi làng mỗi khác.
Thể lệ và tập tục về các tổ chức nói trên đều được định rõ trong hương ước nó đối với dân trong làng cũng như hiến pháp đối với dân trong nước vậy. Cũng có điều không ghi trong hương ước, nhưng đã thực hành lâu ngày thành ra tập tục, truyền tự đời nọ đến đời kia, thì dân làng cũng phải tuân theo như đã ghi trong Hương ước.
Cách thi thố uy quyền của Chính phủ đối với Xã
Nhiều người cho rằng Xã được quyền tự trị quá rộng rãi đến nỗi “phép vua thua lệ làng”, như thế xã đối với quốc gia chẳng khác nào một nước trong một nước. Không phải như thế, Xã hưởng một sự tự trị rộng rãi, chứ không phải độc lập đối với chính quyền, vì phải tuân theo pháp luật chung cho cả nước.
Tuy chức Xã trưởng hoặc Lý trưởng do dân làng bàu lên, các Hương chức do Hội đồng Hào mục cử ra nhưng đều phải do chính quyền cấp bằng thừa nhận, và khi có sự tranh tụng về việc bàu cử thì cũng do chính quyền phân xử. Chính quyền lại có thể tưởng lệ, khiển trách hoặc bãi dịch họ để trừng phạt. Với cách ấy, chính quyền kiểm soát được xã một cách dễ dàng. Kiểm soát mà thôi, chứ không thể nghĩ đến việc điều khiển, vì Hội đồng Hào mục hoàn toàn độc lập đối với chính quyền, các nhân viên trong Hội đồng này không do chính quyền cấp bằng, thưởng, phạt, họ là chủ nhân trong làng họ ; làng có việc giao thiệp với chính quyền thì đã có Lý trưởng thay mặt.
Chế độ xã thôn dưới thời Pháp thuộc : Những cuộc cải lương hương chính
Đến Việt nam, trông thấy sự tổ chức và trước cách tự trị của xã thôn chúng ta, một viên cai trị cao cấp Pháp đã viết : “Làng là một tổ chức đầy đủ, rất toàn thiện, đến nỗi hễ sửa sang lại một tí là e sẽ làm hư hại sự điều hòa của toàn thể. Chúng ta không có lợi gì mà đá động trực tiếp hoặc gián tiếp đến một cơ quan mà nó đã là một lợi khí cai trị mầu nhiệm, miễn là để nó y nguyên và bảo tồn mọi hình thức của nó”. Họ khen ngợi tổ chức xã thôn Việt nam là vì nhận thấy các tiện ích này ; Công việc hành chính xã thôn này rất giản dị mà không tốn kém gì của công quĩ cả. Chánh, Phó tổng, Lý trưởng, Hương chức không phải là công chức, vì do dân bầu lên, nên không phải trả lương bổng. Thu thuế, đốc sưu, lấy lính, các việc ấy ở các nước khác, Chính phủ phải phái nhân viên ra làm, tốn kém nhiều lắm, còn ở đây thì đã có Lý, Hương lo liệu chu đáo mà không công. Lại còn những việc tranh tụng vặt vãnh giữa dân gian, vấn đề an ninh ở các làng mạc là những vấn đề thường phức tạp, khó khăn và tốn kém ở các nước khác, nhưng ở đây đã có các xã thôn lo liệu đầy đủ, không phiền đến chính quyền.
Viên cai trị cao cấp ấy có mấy lời nhận xét như trên kia là vì chỉ nhìn đến khía cạnh tốt của chế độ xã thôn, khía cạnh ấy thuận lợi cho công cuộc cai trị chung, chứ bên trong lũy tre xanh, như ta sẽ thấy sau đây, chế độ ấy cũng đã gây bao nhiêu tệ hại, bao nhiêu phong tục hủ lậu, nó đã cản trở phần nào sự tiến bộ của người dân quê.
Vì có những nhận xét như trên, nên trong giai đoạn đầu tiên, lúc người Pháp mới đến, phong trào chống Pháp còn mạnh, trong nước loạn lạc, họ không dám đá động gì đến tổ chức xã thôn của ta đã đành, mà đến khi cuộc bình định đã xong, nhà cầm quyền Pháp cũng giữ gìn hình thức và tinh thần của tổ chức xã thôn sẵn có, chỉ thay đổi đôi phần ở Nam Việt là thuộc địa của họ mà thôi.
Ở Nam Việt, mãi đến năm 1904, nghĩa là hơn 40 năm sau khi người Pháp đến, mới có sự cải cách trong tổ chức hành chính xã. Theo cải cách này, mỗi làng có một ban Hội tề, gồm II người là Hương Cả, Hương Chủ, Hương Sư, Hương Trưởng, Hương Chánh, Hương Giáo, Hương Quản, Thủ bộ, Hương Thân, Xã trưởng, Hương hào đều do ban Hội tề lựa người cử lên khi có khuyết ; và khi có sự tranh tụng thì do quan cai trị đầu tỉnh giải quyết.
Năm 1927, thêm vào ban Hội tề chức Chánh Lục bộ (giữ hộ tịch), và buộc mọi sự lựa chọn nhân viên ban Hội tề phải được quan cai trị tỉnh chuẩn y. Nghĩa là quyền lựa chọn vẫn để cho làng, nhưng sự kiểm soát của chính quyền chặt chẽ hơn. Mỗi nhân viên ban Hội tề giữ một chức vụ riêng, như Hương Cả là Chủ tịch, Hương Chủ là Phó Chủ tịch và giữ công quĩ, Hương sư xem xét công việc làm của Hương chức khác, Hương Trưởng trông nom việc học, Hương Chánh thỏa xử các việc tranh chấp trong nhân dân và cố vấn cho Hương Thân, Hương Giáo là thư ký của ban Hội tề, lập biên bản các cuộc hội nghị, Hương Quản coi việc cảnh sát hành chính và tư pháp, tuần phòng đường sá, cầu cống, Thủ bộ giữ thuế bộ, địa bộ và sổ sách của làng, còn Hương Thân, Xã trưởng, Hương hào là ba nhân viên chấp hành, làm môi giới giữa làng và chính quyền. Xã trưởng giữ triện cũng như Lý trưởng ở Trung, Bắc Việt, thu thuế khóa. Dưới các Hương chức ấy còn những nhân viên hạ cấp như Phó xã, Phó lý, Lý trưởng, Biện lại, cai tuần v.v…
Bài viết được tổng hợp và giới thiệu bởi nhà sản xuất và bán chổi giá sỉ Bông May
Như vậy, trong xã ở Nam Việt, cơ quan thừa hành và Hội đồng xã không phân biệt rõ ràng như ở Bắc, Trung Việt.
Ở Bắc Việt, thấy việc hương chính theo lề lối xưa lâu ngày đã gây nhiều mối tệ như nạn cường hào nhũng nhiễu, những tập tục hủ lậu, nên năm 1921, phủ Thống sứ đã thực hành một cuộc cải cách mà người ta gọi là “cải lương hương chính”. Cuộc cải cách này chú trọng hai việc cốt yếu là thành lập Hương hội thay thế Hội đồng Hào mục, và đặt sổ chi thu cho làng. Trái với Hội đồng Hào mục, Hương hội gồm những tộc biểu do các tộc bàu ra, trong một nhiệm kỳ 3 năm, và ứng cử viên không cần phải có phẩm hàm gì. Hương hội tự cử ra một Chánh Hương hội và một Phó Hương hội, hai chức này cũng như là Tiên chỉ, Thứ chỉ trước kia, cuộc cải cách này đã đem lại những kết quả không tốt. Vì hạng người có danh vọng trong làng sợ mất thể diện, không chịu ra ứng cử, thành ra Hương hội chỉ gồm những người trẻ mỏ, không biết việc, lại không được dân tín phục.
Để cứu vãn tình trạng ấy, năm 1927 ở Bắc việt, Chính phủ bảo hộ phải đổi qui chế xã thôn một lần nữa. Hương hội vẫn giữ lại, nhưng bên cạnh đặt thêm Hội đồng Kỳ mục là cơ quan kiểm soát tối cao của làng. Hội đồng Kỳ mục gồm những người có phẩm hàm, có bằng cấp, cựu Tổng, Lý, và nhiệm kỳ vĩnh viễn y như Hội đồng Hào mục trước kia. Ấy là vì người ta nhận thấy cần phải phục hồi một phần nào chế độ cũ, một chế độ đã ăn sâu vào tập tục các xã thôn lâu ngày rồi nên không thể vội vàng bãi bỏ ngay đi được. Nhưng Hội đồng Kỳ mục là những người có danh vọng, có uy tín, nên ở nhiều làng, họ không ở trong phạm vi của nhiệm vụ kiểm soát, mà lấn sang công việc định đoạt, quản trị việc làng.
Năm I941, qui chế xã thôn Bắc việt lại được sửa đổi một lần nữa. Có lẽ lý do cuộc sửa đổi qui chế xã thôn lần này là cuộc thế chiến thứ II, chứ không phải để cải thiện nội tình các làng mạc. Theo sự cải cách này, thì Xã chỉ có một Hội đồng quản trị là Hội đồng Kỳ hào, gồm những người có phẩm hàm hoặc đẳng cấp, hoặc đã làm Chánh Tổng, Lý, Hương trong ba năm ; trong Hội đồng này lấy phẩm hàm cao thấp mà định ngôi thứ, và ghế Chủ tịch dành cho người có phẩm hàm cao hơn hết. Những Hội đồng đông quá 20 người có thể ủy quyền cho một ban thường trực 7 người. Vậy Hội đồng Kỳ hào này chẳng khác gì Hội đồng Hào mục trước kia, chỉ khác là sự kiểm soát của Chính quyền chặc chẽ hơn, vì danh sách các viên chức và những sự thay đổi, thêm bớt trong Hội đồng phải trình lên nhà cầm quyền biết. Cách tuyển cử Lý trưởng, Phó Lý vẫn y như cũ, dưới hai chức này còn có một Chưởng bộ, một Hộ lại, một Thư ký, một Thủ quĩ, một Trưởng tuần.
Ở Trung việt, việc quản trị xã thôn vẫn theo lề lối cũ cho đến các qui chế ban hành thời Thành thái, thời Khải định. Qua các qui chế ấy, người ta thấy bên cạnh ban Lý, Hương là cơ quan thừa hành, có một Hội đồng Hào mục như đã nói trên kia, trong đó hạng chức sắc, miễn sai, miễn diêu, đều được quyền tham dự. Lý trưởng vẫn do dân bàu, và giúp Lý trưởng có Phó Lý trưởng và ngũ Hương là Hương bộ (giữ bộ điền thổ, bộ sinh tử, giá thú), Hương bổn (coi tài chính), Hương kiểm (tuần phòng), Hương mục (coi đường sá, cầu cống) và Hương dịch (liên lạc) ; ngũ Hương do Hội đồng Hào mục cử lên. Năm I942, một đạo Dụ minh định thành phần và quyền hạn của Hội đồng Hào mục, hạng người có phẩm hàm, có bằng cấp, cựu Tổng, Lý đều được tham dự. Hội đồng Hào mục có thể ủy quyền cho một ban thường trực. Qua các điều khoản của Dụ năm I942, người ta nhận thấy trong khi thừa nhận quyền quản trị xã sẵn có của Hội đồng Hào mục, Chính phủ muốn thi thố quyền hành rộng rãi hơn trong việc bàu cử Lý, Hương cũng như muốn kiểm soát việc xã thôn chặt chẽ hơn trước.
Dù sao, các công cuộc cải cách nói trên đã không đem lại kết quả tốt : trong các xã thôn còn đầy dẫy những phong tục hủ lậu của những bọn cường hào nhũng lạm. Ấy là vì Hội đồng Kỳ mục, hoặc Hào mục, cơ quan quản trị tối cao, vẫn là những người cũ kỹ, không theo kịp đà tiến hóa của thời đại, nên không biết cải cách việc xã thôn cho xứng hợp, còn dân gian thì nhiều tập tục đã ăn sâu vào não họ quá lâu rồi. Ở Trung Việt, tình cảnh ở xã thôn tương đối không quá phức tạp, chứ ở Bắc Việt thì thật là khó khăn ! Còn ở Nam Việt, trước năm I945, trải qua các cuộc cải cách, nhiều làng nhỏ đã kết hợp thành làng lớn nên có phương tiện về tài chính, về nhân sự để phát triển ; họ lại không có những tập tục về hương ẩm, ngôi thứ, khao vọng v.v… nên xã thôn không đến nỗi mục nát như ở Trung, Bắc, nhưng hình như họ không có được cái tinh thần tự trị như ở hai nơi kia, vì để chính quyền can thiệp quá nhiều vào nội tình các xã.
Trở lên là nói về tình hình các xã trước năm 1945.
Văn hóa Việt Nam:
Tìm hiểu về tang lễ của người Việt
Những làng nghề truyền thống miền tây nam bộ
Những mối lợi, hại của chế độ xã thôn tự trị
Chế độ xã thôn tự trị, từ 5 thế kỷ nay, đã đem lại cho nước Việt Nam nhiều điều lợi ích, cũng như nhiều điều tệ hại.
LỢI
a) Gây tinh thần dân chủ, tinh thần trách nhiệm. – Với chế độ ấy, người dân nào cũng được dự vào việc công của làng mình. Dẫu người mộc nột, dốt nát nhất, cũng được dự bàu Lý trưởng, và trước mặt ban Lý, Hương, trước mặt Hội đồng Hào mục, trong những cuộc hội họp ở đình, cũng được ăn nói, bày tỏ những thắc mắc, những ý nguyện của mình. Nhân viên trong Hội đồng Hào mục và các Lý, Hương được toàn quyền sắp đặt, trị lý việc làng mình, hưng lợi, trừ hại, lo sao cho làng mình được yên ổn, thịnh vượng, chẳng khác gì Quốc hội và Chính phủ sắp đặt, trị lý việc nước, lo lắng cho nước được phát đạt, vẻ vang. Mỗi người tự thấy có một trách nhiệm, và mình là quan hệ đến sự thịnh, suy của làng. Và còn có điều khác với Quốc hội, với Chính phủ là Hội đồng Hào mục giữ nhiệm vụ vĩnh viễn, các Lý, Hương sau khi thối dịch sẽ sung vào Hội đồng Hào mục, vậy sự thịnh, suy của làng do mình gây nên, mình sẽ hưởng thụ hoặc chịu đựng suốt đời, và qua đến đời con cháu nữa, cho nên cái tinh thần trách nhiệm càng tha thiết biết chừng nào !
b) Gây tinh thần đoàn kết. – Sống dưới những phong tục, tập quán, ước lệ chung, cùng vui những cái vui chung, cùng lo những cái lo chung, nhân dân một làng ràng buộc nhau bởi những dây vô hình mà bền chặc. Đình làng là nhà thờ chung, là nơi mọi người gặp gỡ để cúng tế, để yến ẩm, hội hè, cũng như bàn luận việc chung, nên tiêu biểu một mối thân thiện, thiêng liêng, nó gắn liền tất cả dân chúng. Giây đoàn kết ấy càng chặc chẽ thêm với những hội lập ra để cứu trợ, giúp đỡ lẫn nhau, hỷ hạ với nhau như họ Hiếu, họ Hỹ. Vậy ở thôn quê, bên cạnh gia đình, làng là một đoàn thể rất vững chãi.
c) Duy trì đạo đức và thuần phong mỹ tục. – Dưới nóc một ngôi đình, nhân dân một làng đã cảm thấy mình ràng buộc lẫn nhau bởi một sợi dây tinh thần, thì vinh của một người là vinh chung, tất cả dân làng được hưởng, nhục của một người là nhục chung, cả làng phải chịu. – Vì vậy, ai nấy phải lo giữ gìn nết hạnh, sợ cả làng phải mang tiếng xấu vì mình.
Nhân dân một làng sống chung nhau đời này qua đời khác, và những việc làm của một người sẽ được đồng hương nhắc nhở, phẩm bình mãi mãi về sau, ở đời con, đời cháu họ, khiến con cháu được tiếng thơm lây hay phải mang tiếng xấu thừa vì hành vi của ông cha. Cho nên ai nấy cũng gắng làm việc tốt, tránh việc bậy để khỏi di xú cho hậu duệ.
Lý trưởng do dân bàu, Hương chức do Hội đồng Hào mục cử lên, nên hạng người nhắm các chức vụ ấy phải lo giữ gìn tính hạnh để được tiếng tốt của dư luận.
Các ý niệm vừa kể là những sức mạnh duy trì đạo đức luân lý, thuần phong mỹ tục ở các làng mạc một cách rất có hiệu quả. – Vì vậy, ở Việt nam, đã từ lâu rồi, nói đến thuần phong mỹ tục, đến tín, nghĩa, hiếu, đễ và bao nhiêu đức tính khác, ắt phải tìm ở thôn quê mới trông thấy thật sự, chứ ở thành thị thì chỉ thấy trên giấy tờ, nghe trên cửa miệng mà thôi. – Và cái đặc sắc ấy ở thôn quê cũng là do chế độ xã thôn kia mà có được vậy. – Và chính nhờ hạng dân quê ấy làm nền móng dân tộc mà Xã hội Việt nam còn có gì là bền vững, là trong sạch ngày nay.
d) Hạng người có năng lực, sáng kiến có chỗ hoạt động. – Với quyền tự do ấy, làng khéo trị lý, khéo tổ chức thì dân làng được hưởng lợi ích, làng để công việc hỗn độn, ăn tiêu công quĩ thì dân làng phải chịu thiệt hại. – Vì thế, xưa kia, người dân quê, ngoài việc gia đình ra, coi việc làng là việc hệ trọng nhất, để hết tâm lực vào đấy, cũng như người cổ Hy Lạp đối với việc thị bang của họ vậy. “Hương đảng, tiểu Triều đình”, vì ở đó cũng có ngôi thứ, có trách nhiệm, và ai nấy đều hết lòng mưu lo hưng lợi, trừ hại cho dân làng cũng như ở Triều đình, trăm quan văn võ đều mưu lo hưng lợi trừ hại cho nước vậy. – Người ta đã thấy nhiều làng nhờ có người khá ra xướng suất việc công mà làng phát đạt : công quĩ tăng gia, tài nguyên khai thác, đường sá, cầu cống, chợ búa, trường học mở mang, nhân dân có việc làm ăn, nhẹ phần đảm phụ, kẻ nghèo khó được nâng đỡ, kẻ gặp tai nạn được cứu trợ v.v… Nên câu châm ngôn của kẻ sĩ thời ấy là “tấn vi quan, thối vi hương”, nghĩa là được ra làm quan để phò trợ, dắt dẫn nhân dân trong nước càng hay, nếu không làm quan được thì lui về làm việc làng để phò trợ, dắt dẫn dân trong làng, cả hai cũng là đem năng lực phục vụ nhân dân, chỉ bên rộng, bên hẹp mà thôi. Nhờ quan niệm ấy mà thời xưa, hạng người có năng lực, có khí thức, muốn hoạt động, có chỗ đem nó ra thi thố.
Làm việc làng, Hội đồng Hào mục không có tiền thù lao đã đành, mà Lý, Hương cũng không có lương bổng. Trừ số bút chỉ điền, và ở những làng giàu, dân đông, món trợ cấp xe cộ của công bổn, món tiền thu theo lệ khi chứng thực giấy tờ mua bán động sản, bất động sản, Lý, Hương không được quyền lợi vật chất gì khác. Vậy không kể hạng sâu mọt làm những chuyện phù thu lạm bổ, ta có thể nói rằng họ phải hy sinh, nhất là Lý, Hương làng nghèo, vì họ phải thường lui tới nha môn, tiếp xúc với chính quyền, nên phải tốn thì giờ, bỏ công việc làm ăn, xuất tiền lưng ra tiêu phí. Thế mà các chức vụ Lý trưởng, Hương chức vẫn được dân làng ham chuộng, nhiều khi tranh giành nhau kịch liệt nữa. – Vì sao ? Đó là một điểm chúng ta nên để ý.
Trước hết, danh vọng là lý do chánh ; được liệt vào hạng đàn anh của dân, được một chỗ ngồi trên dân trong những buổi hội hợp, tế tự ở đình trung, cái tên gọi ông Lý, ông Hương, được dự Hội đồng Hào mục là Hội đồng tối cao quản trị việc làm sau khi làm việc mãn nhiệm kỳ một cách thanh thỏa. – Nhưng ngoài các lý do ấy, cũng nên nhận rằng ý thức bổn phận và ý thức danh dự là hai động cơ đã thúc đẩy trong nhiều trường hợp. – Nghĩa là cũng có nhiều người ý thức trách nhiệm đối với đoàn thể, đối với quê hương, thấy rằng việc làng là việc chung của dân làng, ai có đủ tư cách thì phải thay phiên nhau mà gánh vác. Và ra làm việc làng để làm việc tốt đẹp cho làng, ích lợi cho dân thì không chỉ mình được danh giá mà còn để lại tiếng thơm cho con cháu về sau nữa. – Vả, được dân chúng tín nhiệm bàu lên, Hội đồng Hào mục xét đủ tài, đức cử ra, ấy chẳng là một danh dự đó sao ? Sự ý thức bổn phận ấy đáng quí, và sự cầu danh dự ấy cũng hơn sự trọng lợi lộc một bậc cao. – Nếu Lý, Hương được trả lương bổng thì hai quan niệm tốt đẹp ấy sẽ không còn, người ta chỉ vì lợi mà làm việc, những người có thể làm Lý, Hương chỉ lấy cặp mắt vụ lợi mà nhìn việc làng, rồi ai nấy vì lợi mà giành nhau mãi mãi.
Tệ hại
Bên cạnh các lợi ích ấy, chế độ xã tự trị cũng đã đem lại không biết bao tệ hại cho nhiều làng.
a) Cường hào nhũng nhiễu. – Tuy chế độ ấy không thể làm thiệt hại gì sự thống nhất quốc gia, nhưng ở những làng xa xôi, hoặc ở những làng không có người khá, bọn Hào, Lý vì được quyền hành rộng rãi, lắm khi tác oai tác phúc quá đáng, nhũng nhiễu, làm khổ, hại dân lành không ít. Cái họa cường hào là một nhọt lở ở các xã thôn Việt nam từ lâu đời, chính nhờ chế độ tự trị mà nhọt mới lở thối trình độ ấy.
b) Tranh giành ngôi thứ. – Cái tệ hại ngôi thứ cũng không nhỏ. – “Hương đảng, tiểu triều đình”, “một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”, các câu tục ngữ ấy vì hiểu sai ý nghĩa, rồi vì tranh nhau một chỗ ngồi ở chốn đình trung, giành nhau cái đầu, cái nọng con heo “thần huệ”, cùng việc khao, việc vọng v.v… mà đã gây ra biết bao vụ xô xát, kiện tụng, làm cho những kẻ đương sự phải vong gia, thất thố, thù oán đời đời. Trước con mắt con người thời đại này, các ý tưởng ấy thật là ti tiện, nên nó đã tự nhiên phai lạt lâu năm rồi.
c) Hạn chế sự sinh hoạt, thu hẹp nhãn quan người dân.– Làng đã như là một nước nhỏ, có phong tục, tập quán, lệ luật riêng, nên người dân làng này khi đến làng khác cảm thấy như đến một xứ lạ. – Vì vậy, họ ít muốn đi đâu xa, rồi quen lần với thói “an thổ, trọng thiên”, dẫu nghèo cực cũng không chịu đi nơi khác làm ăn, sợ mang tiếng “tha phương cầu thực”. – Đã sống mãi trong lũy tre làng, nhãn quan họ không vượt ra ngoài ngôi đình, cái chợ, nên đối với việc trong tỉnh, trong nước, mang nhiên không hiểu biết gì đến.
PHAN KHOANG